Nỗi lo tài chính với các cầu thủ Việt khi V-League tạm hoãn

Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp tại nước ta hiện nay đã ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của nhiều người dân ở tất cả các lĩnh vực. Và điều này cũng không phải ngoại lệ với các cầu thủ bóng đá. Việc V-League phải tạm hoãn sang năm 2022 thực sự là một vấn đề nan giải với các cầu thủ. Đây là vấn đề không chỉ ảnh hưởng đến phong độ cá nhân mà còn là gánh nặng lớn về vấn đề tài chính. Rất nhiều cầu thủ đã có những băn khoăn, lo lắng về tài chính trong bối cảnh V-League không thể diễn ra ở thời điểm hiện tại.

V-League lùi đến tháng 2/2022

Trước đó, Hội đồng quản trị công ty VPF đã thông qua đề xuất lùi V.League 2021 (từ vòng 13 giai đoạn 1) sang tháng 2/2022. VPF đã gửi sang thường trực ban chấp hành VFF thông qua trước khi chính thức thông báo tới các đội bóng.

Phương án VPF đưa ra là V.League 2021 sẽ đá nốt vòng 13 giai đoạn 1 vào ngày 12/02/2022. Tiếp đó giai đoạn 2 sẽ diễn ra từ ngày 16/2/2022 đến 12/3/2022. Các đội sẽ tranh ngôi vô địch và tìm ra suất xuống hạng.

V-League 2021
V-League 2021 đã chính thức lùi sang tháng 2/2022

Nỗi lo cơm áo gạo tiền của các cầu thủ

Chấp nhận giảm lương để san sẻ gánh nặng với CLB

Sau khi nắm bắt được thông tin các cầu thủ Việt Nam đều bảy tỏ quan điểm đáng ngại về vấn đề kinh tế nếu không được thi đấu một thời gian dài.

Nhiều cầu thủ chấp nhận giảm lương để san sẻ gánh nặng với đội bóng chủ quản trong năm 2020. Nhưng nếu phải nghỉ thi đấu tới hơn nửa năm trong phần còn lại của mùa giải 2021, những người theo nghiệp quần đùi áo số khó lòng duy trì thu nhập nếu không có sự chuẩn bị. Không phải cầu thủ nào cũng có điều kiện tài chính hoặc có thể kiếm tiền nhờ sự nổi tiếng.

“Nếu V.League hoãn dài như vậy thì chế độ của chúng tôi chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Không đá thì lương giảm, thưởng không có. Chúng tôi ai cũng có gia đình. Nếu nghỉ dài ngồi chơi như vậy thì thật sự sẽ là rất khó khăn. Ngoài đá bóng ra, chúng tôi đa số là chưa làm thêm một nghề nào khác bên ngoài cả. Nghề cầu thủ cũng không được lâu”, cầu thủ Nguyễn Hữu Phúc của CLB Hải Phòng tâm sự.

Làm công việc khác để trang trải thu nhập

“Nếu giải đấu lùi lại đến tháng 2 thì đồng nghĩa với việc các cầu thủ sẽ thất nghiệp. Điều đó ảnh hưởng rất lớn đến nguồn thu nhập của chúng tôi. Nhưng với tình hình hiện giờ thì thật sự khó để bóng đá có thể trở lại. Vì thế theo tôi nghĩ, thay vì than phiền thì đây cũng là dịp thích hợp để chúng ta dành nhiều thời gian hơn cho gia đình”, hậu vệ Thanh Long (CLB Bình Dương) chia sẻ.

cầu thủ bóng đá Việt Nam
Các cầu thủ đứng trước nỗi lo về tài chính khi giải đấu tạm hoãn

Đồng quan điểm với cầu thủ Thanh Long, hậu vệ Ngô Tùng Quốc (CLB TP.HCM) cũng rất lo ngại với khó khăn trước mắt.

“Nếu giải hoãn dài đến vậy thì rất khó khăn với cầu thủ từ kinh tế đến cảm giác bóng. Nhưng nếu đó là quyết định cuối cùng thì tôi cũng đành chấp nhận thôi”.

“Lúc này, chúng tôi chỉ biết chờ đợi ban tổ chức, khi nào có quyết định chính thức thì về. Đội cho mọi người nghỉ rồi. Nhưng tình hình dịch bệnh như thế này về quê cũng khó. Giải hoãn đến sang năm, khả năng cao là tôi về phụ bố mẹ làm nông”, cầu thủ Ngô Tùng Quốc của CLB TP.HCM chia sẻ.

Còn cầu thủ Trịnh Hoa Hùng của CLB Quảng Ninh cho hay: “Tôi rất lo, nhưng cũng chưa biết sẽ phải làm gì để có tiền. Chắc phải tính xem kinh doanh gì đó thôi”.

Nhiều cầu thủ trẻ cũng bày tỏ nỗi lo trước viễn cảnh không có thu nhập trong thời gian dài. Bởi từ nhỏ tới lớn chỉ tập trung ăn tập; chưa từng lao động chân tay hoặc làm công việc nào khác.

Trả lời