Trong mùa giải vừa rồi, một mùa giải không mấy thành công của Liverpool đặc biệt là ở hàng phòng ngự của đội bóng. Sau khi trung vệ đội trưởng Van Dijk nhận phải một chấn thương nghiêm trọng phải nghỉ đến hết mùa giải, HLV Klopp đã đau đầu với vấn đề sẽ sử dụng cặp trung vệ như thế nào mới hợp lí? Ông đã sử dụng đến 18 cặp trung vệ trong mùa giải vừa rồi nhưng kết quả không như mong đợi. Mới đây, trước thềm mùa giải mới sắp khởi tranh, HLV Jurgen Klopp đã lên phương án kế hoạch phòng trường hợp nếu xuất hiện chấn thương ở cặp trung vệ chính mà ứng phó.
Phương án mới dự phòng cho tham vọng của Klopp
“Kế hoạch B” là điều mà Juergen Klopp không có, chứ mấu chốt không phải là chấn thương của cặp trung vệ Virgil van Dijk – Joe Gomez, và đấy là nguyên nhân lớn nhất khiến Liverpool mất ngôi vô địch Premier League trong mùa vừa qua.
Klopp thuộc mẫu HLV xem trọng triết lý. Bóng đá của ông phải là thứ bóng đá đầy tốc độ. Đá nhanh, tấn công ào ạt, luôn đẩy cao đội hình, thì độ khó trong phòng thủ tăng cao. Đội bóng của Klopp thành công không phải là nhờ hàng công quá mạnh như người xem cảm nhận. Dù là Sadio Mane, Roberto Firmino, Mohamed Salah, hay là bộ ba nào khác, thì khả năng cao là họ vẫn sẽ ghi bàn hàng loạt trong cách chơi như vậy.
Vì đá thiên hẳn về công và luôn tấn công quá nhanh như vậy, nên Liverpool làm cho đối phương choáng váng. Ai đủ bản lĩnh sẽ tung phản đòn. Đến đấy, mới lộ ra chi tiết quyết định: Liverpool thành công hay thất bại là do hàng thủ quyết định. Chống được phản đòn của đối phương, Liverpool sẽ thắng, bởi hàng công coi như mặc nhiên sẽ ghi bàn.
Tính khả thi của phương án liệu có hoàn hảo?
Đá bằng triết lý thì trên nguyên tắc là không có “kế hoạch B”? Giống như Man City của Pep Guardiola vậy. Chơi theo cách khác, thì đấy không phải là họ nữa rồi. Mỗi giải đấu có thể khác nhau về điều lệ, ví dụ như cách xếp hạng hai đội đồng điểm. Nhưng giải đấu nào thì cũng phải theo đúng luật bóng đá. Nếu như mỗi đội có 12 người, thì đấy không còn là môn bóng đá nữa. Có thể hình dung vấn đề triết lý của Guardiola, hoặc Klopp, như vậy.
Trung vệ chấn thương thì có thể thay bằng trung vệ khác. Về lý thuyết, phòng thủ là việc làm của một tập thể, đòi hỏi kỷ luật chiến thuật, mức độ tập trung, và sự ăn ý. Đấy là lý do vì sao các đội bóng nhỏ, không có nhiều tài năng; vẫn có thể hoàn thành nhiệm vụ trong lĩnh vực phòng ngự (riêng tấn công thì phải có tài).
Đây chính là “kế hoạch B” mà đáng lẽ Klopp nên chuẩn bị. Không có Van Dijk hoặc Gomez, không có nghĩa là Liverpool bó tay không thể phòng thủ được nữa. Chẳng qua, triết lý của Klopp không dành chỗ cho công việc này. Klopp không chuẩn bị những bài bản phòng thủ thông thường. Ông không chuẩn bị cho hoàn cảnh mà Liverpool phải đá an toàn. Đây là chọn lựa thôi.
Một số ảnh hưởng của sự vắng mặt Van Dijk
Van Dijk là hòn đá tảng không thể thiếu ở hàng phòng ngự The Kop. Tuy nhiên, điều NHM Liverpool lo sợ nhất đã xảy ra ngay đầu mùa trước; khi siêu trung vệ người Hà Lan dính chấn thương ngay ở vòng 5 Premier League. Đó là ở trận gặp Everton, sau một pha va chạm với thủ thành Jordan Pickford ở ngay phút thứ 6; anh đã phải rời sân. Kết quả chuẩn đoán sau đó xác định, anh bị đứt dây chằng đầu gối và phải nghỉ thi đấu hết mùa.
Liverpool đã sụp đổ theo thời gian bởi sự vắng mặt của Van Dijk. Vắng trung vệ thép người Hà Lan, họ không chỉ mất đi một người luôn có mặt kịp thời để giải nguy. Không có Van Dijk, Liverpool cũng mất cả những bàn thắng quyết định. Thực tế, Van Dijk đã ghi bàn ngay ở vòng khai màn Premier League mùa trước.
Thậm chí, Liverpool phải thi đấu với cặp trung vệ chắp vá khi vắng Van Dijk. Tại Premier League mùa trước, sau khi anh chấn thương, HLV Juergen Klopp đã sử dụng tới 7 trung vệ khác nhau, song không ai tạo được niềm tin. Cầu thủ đá trung vệ nhiều nhất chính lại là tiền vệ Fabinho; song anh cũng chỉ có 16 lần ra sân. 6 cầu thủ khác được luân phiên thử nghiệm và đều thất bại, như Nathaniel Phillips (15 trận), Joe Matip (9), Ozan Kabak (9); Jordan Henderson (8), Rhys Williams (7) và Joe Gomez (6).