Hai mặt vấn đề của việc tạm hoãn giải đấu V-League sang năm 2022

Người hâm mộ bóng đá Việt Nam hẳn đang khá buồn vì tin tức V-League 2021 sẽ chính thức hoãn sang tháng 2/2022 vì tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Mặc dù đây là điều đã được dự đoán từ trước nhưng vẫn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến các câu lạc bộ và cầu thủ. Bên cạnh những tác động không tích cực, việc hoãn giải đấu cũng đem lại một số những điểm sáng. Hãy cùng chúng tôi điểm lại những mặt tốt và không tốt trong bối cảnh V-League bị hoãn thông qua bài viết dưới đây nhé.

Những thuận lợi khi giải đấu tạm hoãn

Các nhà tổ chức giải VPF đưa ra phương án tạm dừng V-League 2021 đến tháng 2-2022 tổ chức lại. Điều này có mặt thuận lợi nhưng cũng va vấp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt là thiệt thòi cho hầu hết CLB.

VPF chiều 16-7 gửi phiếu lấy ý kiến Hội đồng quản trị về việc hoãn V-League đến sau tết Nguyên đán, sang năm 2022, do không thể dự báo tình hình dịch bệnh COVID-19 và không ngoài mục đích tạo điều kiện cho các đội tuyển quốc gia. Theo chuyên gia bóng đá Đoàn Minh Xương, có một điều chắc chắn là trong hoàn cảnh hiện tại, VPF không thể tìm ra giải pháp hoàn hảo vì nhiều thứ không thuộc quyền kiểm soát của mình.

Phương án dịch chuyển V-League sang tháng 2-2022 được thông qua thì mặt thuận lợi nhất là thời gian rộng rãi cho các đội tuyển Việt Nam chuẩn bị vòng loại cuối cùng World Cup 2022, AFF Cup, vòng loại U-23 châu Á.

Các cầu thủ đội tuyển Việt Nam
Các cầu thủ đội tuyển Việt Nam sẽ có thêm thời gian để chuẩn bị cho vòng loại World Cup 2022

Năm ngoái, bóng đá Thái Lan bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 khiến phải dừng cuộc chơi. Họ đã tạo ra bước đột phá mới là xây dựng các giải đấu quốc nội theo xu hướng chung của thế giới, từ nửa cuối năm này sang mùa hè năm sau.

Lịch thi đấu này bắt nhịp hòa hợp với những diễn biến từ các giải lớn châu Âu. Bao gồm từ thị trường chuyển nhượng cầu thủ hợp lý cho đến khoảng nghỉ ở thời kỳ FIFA Days. Điều này về lâu dài có lợi cho hệ thống thi đấu của bóng đá Đông Nam Á nói chung. Và không làm ảnh hưởng đến cầu thủ ra nước ngoài hành nghề.

Những hệ lụy liên quan

Mặt trái của việc hoãn giải đấu là cầu thủ ra sân quá ít mà thiếu sự cọ xát. Do đó khó khăn trong việc duy trì phong độ và cảm giác bóng ở V-League. Tính ra, mỗi tháng các tuyển thủ đá hai trận rồi nghỉ dài hoặc tập chay chờ… đá tiếp.

Nếu V-League dừng tám tháng, rất nhiều cầu thủ và các thành phần liên quan sẽ thất nghiệp dài dài. Do đó kéo theo hệ lụy về thu nhập, ảnh hưởng chuyên môn, thậm chí là tranh chấp pháp lý.

Kế hoạch tập luyện của các đội bóng

Nhiều đội sẽ phải thay đổi phương án tập luyện. Các cầu thủ có thể được cho xả trại, tự tập ở nhà. Một số CLB giàu tham vọng có thể cho hội quân cầm chừng để duy trì thể lực và phong độ. Tuy nhiên, V-League nghỉ dài sẽ gây ra xáo trộn. Việc mất nhiều trụ cột do đã tập trung cho ĐTQG khiến cho chất lượng các buổi tập cũng không được đảm bảo.

kế hoạch tập luyện bị gián đoạn
Nhiều đội bóng sẽ phải thay đổi phương án tập luyện để phù hợp với tình hình chung

CLB thiệt hại về tài chính

Việc trả lương cho cầu thủ đặc biệt là ngoại binh, chi phí tập luyện, sinh hoạt, di chuyển…trong hơn 6 tháng sẽ gây ra thiệt hại không nhỏ về tài chính cho các CLB. Ngoài ra, việc V-League nghỉ quá lâu, nhiều người sẽ hết hạn hợp đồn. Việc đàm phán lại để giữ quân sẽ là một bài toán khó cho các đội bóng. Chủ tịch Hải Phòng đã chia sẻ: “Các đội sẽ chịu tổn thất nặng về kinh tế, ít cũng phải 10 tỷ đồng”.

Tham vọng của 1 số CLB

Giải vô địch quốc gia tạm hoãn quá lâu ảnh hưởng lớn đến tham vọng lên ngôi của HAGL. Trong khi Sài Gòn hay SLNA cũng chẳng thể an tâm khi đang có nguy cơ phải rớt hạng. BHL một số đội bóng cũng không thể chủ động trong việc xây dựng kế hoạch. Bởi họ chưa biết vị trí của mình trong nhóm tranh vô địch hay rớt hạng sau giai đoạn 1. Khi V-League trở lại, việc bắt nhịp với cuộc chơi sẽ hoàn toàn khác so với giai đoạn hiện tại.

Cầu thủ dễ mất phong độ

Không thi đấu mà chỉ tập chay sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến phong độ của các cầu thủ. Họ sẽ dễ mất đi cảm giác bóng và khó có được điểm rơi tốt nhất khi giải trở lại. Mạc Hồng Quân chia sẻ: “Tự tập ở nhà sẽ rất khó duy trì phong độ. Giờ chúng tôi phải nghe ngóng từ CLB xem tình hình ra sao. Tôi nghĩ không thể nghỉ quá lâu được”.

các cầu thủ dễ mất phong độ
Việc tạm ngừng thi đấu sẽ ảnh hưởng đến phong độ của các cầu thủ

Vấn đề lương, thưởng

Cầu thủ Nguyễn Hữu Phúc của CLB Hải Phòng thổ lộ: “Nếu V-League hoãn dài như vậy thì chế độ của chúng tôi bị ảnh hưởng. Không đá thì lương giảm, thưởng cũng không có. Ai cũng có gia đình, nếu nghỉ dài ngồi chơi như vậy thì thật sự sẽ rất là khó khăn”. Kinh tế của các cầu thủ sẽ bị thiệt hại nghiêm trọng. Bài toán “cơm, áo, gạo, tiền” lại được đặt ra.

Một số đội bóng có thể từ bỏ cuộc chơi

Trong thực tế, bóng đá Việt Nam đã từng chứng kiến cảnh nhiều đội bóng phải giải thể hoặc xin không lên hạng vì thiếu hụt về tài chính. Bởi vậy, trong tình hình COVID-19 và V-League nghỉ quá dài, một số đại diện “con nhà nghèo” cũng chưa chắc sẽ bám trụ được quá lâu. Không biết khi V-League trở lại, cuộc chơi có còn đủ 14 cái tên như ban đầu hay sẽ có những tên tuổi sẽ rút lui khỏi giải đấu.

Trả lời